“Nghe bác sĩ nói con bị trật khớp háng bẩm sinh, cả hai vợ chồng ngơ ngác nhìn nhau, hoảng quá. Bọn mình còn chưa nghe đến tên bệnh bao giờ”, chị Nguyệt (Mộc Châu, Sơn La) nói. Lúc con nhỏ, mỗi lần cho con tiểu tiện, thấy bé ưỡn người khó chịu, chị Nguyệt thấy lạ nhưng cũng không để ý nhiều. Đến khi bé biết đi, nhìn con tập tễnh, chân trái yếu hẳn, anh chị mới đưa bé đi khám.
1. Bất ngờ khi biết con mắc trật khớp háng bẩm sinh
Đang chăm sóc con gái 21 tháng tuổi sau phẫu thuật tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, chị Nguyệt cho biết, con gái chị sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc con còn nhỏ, chị chỉ lăn tăn một chuyện là mỗi lần “xi tè” thì con cứ ưỡn người ra, kèm tiếng xương bên hông kêu lộc cộc. Tuy nhiên, bé hay ăn, chóng lớn, bụ bẫm hơn các bé khác, cũng chẳng bị bệnh nặng gì bao giờ nên vợ chồng chị không lo nghĩ nhiều hay đưa con đi khám.
Lúc con 12 tháng tuổi mà chưa biết đi, chị Nguyệt mượn chiếc xe tập đi bằng gỗ về thì thấy khi đẩy xe, chân trái bé hơi yếu. Nghĩ do con nặng cân (12 kg) nên chị không để ý nhiều. Tới 16 tháng, con gái đi đã vững nhưng nếu muốn bước nhanh hay chạy thì người nghiêng hẳn về một bên, chân trái đi cà nhắc. Lo lắng nhưng bận nhiều công việc nên tuần trước vợ chồng chị mới đưa cháu đi khám. Bé được kết luận bị trật khớp háng bẩm sinh và buộc phải mổ.
Đi khám khi đã 6 tuổi, bé Hà Chi (Thường Tín, Hà Nội) phải mổ tới 3 lần để chữa trật khớp háng bẩm sinh. Mẹ bé Chi cho biết, lúc con còn nhỏ, chị không thấy cháu có gì khác biệt so với các bé cùng tuổi. Lúc Chi biết đi, thấy cháu tập tễnh, mẹ nghĩ do con hơi yếu.
Sau đó, bé đi mẫu giáo, người lệch hẳn một bên, bạn bè hay nhìn ngó, chỉ chỏ. Chi còn dễ mất thăng bằng, hay vấp ngã. Tới tháng 4/2013, khi con chuẩn bị vào lớp 1, mẹ đưa bé đi khám mới phát hiện bị trật khớp háng bẩm sinh. Chi mổ lần đầu sau đó không lâu và mổ lần 2 vào hồi tháng 8. Tuy nhiên, sau khi tháo bột, chân Chi vẫn yếu, đi còn tập tễnh nên em phải phẫu thuật lần 3 và đang đợi hồi phục.
2. Trật khớp háng bẩm sinh – Phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội chỉnh hình Nhi Việt Nam, trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh thường không được phát hiện sớm, dẫn tới việc điều trị khó khăn và kết quả kém thành công.
Khớp háng là bộ phận nâng đỡ toàn bộ phần chi dưới và chức năng vận động của cơ thể. Khi khớp háng không nằm đúng vị trí sẽ hạn chế khả năng đi lại, khiến trẻ đi tập tễnh, chân thấp chân cao. Ở nữ giới, bệnh này còn gây hạn chế khả năng sinh đẻ do làm lệch vẹo xương chậu.
Nguyên nhân gây trật khớp háng bẩm sinh hiện chưa được xác định. Bệnh có thể phát hiện khi trẻ nằm trong bụng mẹ, qua siêu âm thai hoặc ngay sau sinh, nhờ một số dấu hiệu như: trẻ khó giang hai đùi, việc thay tã cho bé khó khăn; khi bé nằm ngửa nếu gấp gối thì hai gối lệch, không bằng nhau; trẻ có nếp lằn bẹn ở bên bệnh rất dài, khác hẳn bên kia…
Tuy nhiên, khi bị bệnh, trẻ thường không cảm thấy đau, không quấy khóc, nên nếu không để ý kỹ các khác biệt, bố mẹ sẽ khó phát hiện. Đa số gia đình thường chỉ đưa con đi khám sau khi bé biết đi, lúc thấy con đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân kia.
Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Hưng cho hay, với bệnh này, việc phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng. Với trẻ dưới 12 tháng tuổi, chỉ cần can thiệp phần mềm, kéo nắn, bó bột, mổ đơn giản là có thể thành công. Trẻ 12 tháng tuổi tới dưới 8 tuổi phải can thiệp phẫu thuật.
Trường hợp từ 8 tuổi trở lên phải phẫu thuật phức tạp hơn nhiều, cắt ngang xương chậu kéo phần trên ra ngoài, đồng thời cắt ngắn xương đùi, khả năng bị chảy máu và nguy hiểm cao hơn, tỷ lệ phải mổ nhiều lần cũng lớn hơn trong khi khả năng thành công thấp hơn.
Theo ông Hưng, trước kia, để chữa trật khớp háng bẩm sinh, người ta thường mổ cắt xương chậu nhưng đường mổ dài, mất máu nhiều, bệnh nhân lâu phục hồi. Khắc phục nhược điểm này, hiện một số trung tâm chỉnh hình nhi khoa trên thế giới đã áp dụng cách ghép xương đồng loại để điều trị trật khớp háng bẩm sinh.
Là một trong số ít phẫu thuật viên của thế giới thực hiện phương pháp ghép xương đồng loại, phó giáo sư Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, 79 ca được mổ bằng cách ghép xương mác đồng loại đã cho kết quả rất tốt. Với cách này, đường mổ ngắn hơn, không phải truyền máu trong và sau mổ, không bộc lộ cơ ở bản ngoài xương chậu nên không làm tổn thương đến cơ mông, giữ được sự toàn vẹn của xương chậu do không phải cắt, và không phải mổ lần thứ hai để rút bỏ đinh cố định mảnh ghép.
Công trình nghiên cứu về phương pháp mổ này của phó giáo sư Nguyễn Ngọc Hưng đã được công bố trên tạp chí chỉnh hình Mỹ tháng 6/2013 và báo cáo tại hội nghị chấn thương chỉnh hình Châu Á Thái Bình Dương ở Ấn Độ tháng 10/2012.
Để đặt lịch thăm khám,quý khách vui lòng liên hệ đến số hotline để được tư vấn một cách chi tiết.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG PHÁT
Địa chỉ: 219 Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Email: cskh@benhvienhongphat.vn
Website: https://benhvienhongphat.vn
Youtube: youtube.com/@benhvienhongphat
Facebook: Bệnh viện Hồng Phát
Tiktok: tiktok.com/@benhvienhongphat
Zalo OA: https://zalo.me/benhvienhongphat
Hotline (24/24h): (024) 3942 9999
Đặt lịch khám: 0869 775 115 - 086 680 5115 - 096 227 9115
Lý do nên chọn Bệnh viện Đa Khoa Hồng Phát
Trên 18 năm thành lập
Chuyên môn cao
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi
trực tiếp khám
Cơ sở vật chất tiện nghi
Nhập khẩu Châu Âu, Mỹ
Chi phí khám hợp lý
Áp dụng bảo hiểm y tế
Chăm sóc khách hàng
chu đáo
*Lưu ý: Bệnh viện hỗ trợ book phòng cho khách hàng ở tỉnh xa liên hệ: 📲Hotline: (024) 3942 9999
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Viêm tuyến giáp Hashimoto ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?
Xét nghiệm vi sinh bao gồm những xét nghiệm nào?
Rối loạn tuyến giáp khi mang thai ảnh hưởng như thế nào?
Magie là gì và tại sao cơ thể bạn cần nó?
Bạn đã biết lợi ích của men vi sinh probiotic đối với sức khỏe
U tuyến giáp có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Xét nghiệm chức năng đông máu và ý nghĩa các xét nghiệm đông máu
Bệnh tuyến giáp ở trẻ em kẻ thù kìm hãm sự phát triển của trẻ
Tuyến yên nằm ở vị trí nào? Chức năng của nó là gì?
Nhiễm sắc thể và các bệnh do bất thường nhiễm sắc thể